|
Với Cộng đồng kinh tế ASEAN đã hình thành và hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sắp được phê chuẩn, doanh nghiệp đang trăn trở tìm ra những lựa chọn ứng xử phù hợp với tiến trình hội nhập. Ảnh: Hàng Thái, hàng Việt chen nhau tại một hội chợ ngành dệt may gần đây. Ảnh TL TBKTSG |
(TBKTSG XUAN) - LTS: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ là hai trong số rất nhiều những biến động của đời sống kinh doanh mà doanh nghiêp Việt Nam sắp đón nhận. Với những biến động đã trải qua, mỗi người chủ doanh nghiệp chọn cho mình một tâm thế, có người chủ động đương đầu, có người đã buông bỏ vì cảm giác quá sức... Cách nào, suy cho cùng, cũng sẽ không quan trọng bằng việc ngày hôm nay, khi nhìn lại, mỗi người cảm thấy hài lòng và vui vẻ chấp nhận những gì mình đang có.
TBKTSG xuân Bính Thân mời bạn đọc cùng chia sẻ những trăn trở, suy nghĩ về đời sống kinh doanh với bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Bán lẻ và Nhượng quyền châu Á (Retail & Franchise Asia); ông Trần Minh Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Anpha (chủ sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ Gas Bình Minh); bà Trần Thị Vân Loan,Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (CL-Fish Corp); ông Lê Bá Thông, Tổng giám đốc TTT Corporation; ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kềm Nghĩa; và ông Trần Đình Khôi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Điện tử Biên Hòa (Belco).
|
Trước mọi sự thay đổi trong đời sống kinh doanh, với tôi sự lựa chọn không phải là buông bỏ, cũng không phải là chủ động hay bị động mà là sự nhất quán với giá trị của mình. Dù vấp ngã thì vẫn biết tự đứng lên và thành công cũng không tự mãn. Tôi gọi đó là trở về ngày số 0. Bà Nguyễn Phi Vân |
Bà Nguyễn Phi Vân: Trở về ngày số 0
Có một triệu phú người nước ngoài chia sẻ với tôi rằng ông không cần những người có kỹ năng, biết kiếm tiền bởi có thể mua được họ, ông cần những người có trái tim để có thể cùng đi trên con đường dài, cùng kiếm tiền cho gia đình, bản thân và cho cả xã hội. Trước mọi sự thay đổi trong đời sống kinh doanh, với tôi sự lựa chọn không phải là buông bỏ, cũng không phải là chủ động hay bị động mà là sự nhất quán với giá trị của mình. Dù vấp ngã thì vẫn biết tự đứng lên và thành công cũng không tự mãn. Tôi gọi đó là trở về ngày số 0.
Trong xã hội đang đầy rẫy những giá trị ảo hiện nay, tôi nghĩ chúng ta càng cần sống thực với giá trị của mình. Sống thật để thấy ngân hàng kia có nợ xấu mười mấy ngàn tỉ đồng hay doanh nghiệp nọ có doanh thu vài ngàn tỉ đồng năm, cuối cùng cũng chỉ là những con số lớn nhỏ khác nhau và mọi thứ là vật ngoài thân thế nào.
Với bản thân tôi, trước đây khi còn thiếu hiểu biết, thiếu trải nghiệm, tôi đã mua cái này, học cái kia để thực hiện giá trị của mình. Và tôi không hối tiếc về điều này. Bởi lẽ, giá trị con người là không đổi. Vấn đề là tùy thời điểm, mỗi người chọn cách tiếp cận phù hợp. Việc tôi luôn làm là đặt lại quan điểm của mình về giá trị và mong muốn của một doanh nhân.
Qua thời gian làm việc với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôi cảm nhận rằng, sự chuẩn bị của doanh nghiệp với hội nhập, với những sự thay đổi còn rất thiếu. Cũng giống như những người dân quê ngoại tôi, họ sống trên bến phà Mỹ Lợi cả trăm năm qua mà không ai nghĩ đến việc dời bến sống, không ai nói về việc sẽ có ngày có một cây cầu thay thế cái bến phà đang nuôi sống bao nhiêu gia đình. Mọi sự thay đổi phải bắt đầu từ chính suy nghĩ của mỗi người trước khi tính đến sự hỗ trợ. Và nếu không có sự hỗ trợ thì vẫn tìm ra cách để làm. Câu chuyện còn lại chỉ là tôi muốn và tôi sẽ làm được. Nếu anh luôn muốn trở thành một doanh nghiệp quốc tế thì về tâm lý, anh sẽ có rất nhiều năng lượng để thực hiện giấc mơ.
|
Trong hoàn cảnh nào, doanh nghiệp vẫn phải tự tin, không trông chờ vào bất kỳ ai, cũng càng không nên đi đấu tranh chính sách bởi cần tập trung sức lực để lo cho bản thân mình. Ông Trần Minh Loan |
Ông Trần Minh Loan: Cắt bỏ sẽ rất đau đớn nhưng mình thanh thản
Thời điểm 2011-2012, chúng tôi gặp khó khi những bất ổn của nền kinh tế vốn đã ủ từ năm 2008 bắt đầu bung bét như mụn mủ bị vỡ. Ngân hàng siết tín dụng, tiền bạc vay trước đó để đầu tư tàu chở gas, vỏ bình gas phải trả lãi suất vài chục phần trăm/năm. Tình thế buộc chúng tôi phải lựa chọn: cắt bỏ những phần thịt thừa hoặc chết toàn phần! Tôi chấp nhận bán đi 10% tài sản, trong đó có hai công ty bán lẻ, tàu chở gas đang kinh doanh hiệu quả, 200.000 trong số 2 triệu vỏ bình để có tiền trả nợ ngân hàng và có vốn lưu động. Tôi cũng bán khoảng 10% cổ phiếu đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Khí hóa lỏng miền Nam, may là được giá. Chưa hết, tôi phải cắt giảm 10% chi phí, chuyển từ văn phòng tự xây sang thuê với giá 1.400 đô la Mỹ/tháng, chưa bằng một phần mười so với trước đó, giảm số nhân viên từ hơn 60 xuống còn 22 người. Hệ quả tất yếu là sản lượng, thị phần trên thị trường chỉ còn hai phần ba.
Nói thật, đau lắm, chẳng khác gì là cắt tay, cắt chân của mình đi vậy! Đến giờ, càng ngẫm, tôi càng thấy mình đã quyết định đúng, buông bỏ kịp thời. Nhờ làm như vậy, công ty tôi trụ lại được mà như nhiều người vẫn nói là “qua được con trăng”. Thời điểm khó khăn đó đã dạy tôi nhìn rất rõ cái gì là trọng tâm của mình và cách buông bỏ ra sao. Nó cũng tương tự như việc tôi bán cổ phần cho đối tác Nhật hiện tại. Lúc đầu họ chỉ nắm 22,5% cổ phần nhưng rồi tăng lên 49%. Bản thân tôi, tôi không giữ đến 51% cổ phần để có quyền chi phối và quyết định mà chỉ là cổ đông lớn nhưng đối tác đã đề nghị tôi làm chủ tịch, chịu trách nhiệm điều hành. Tôi bây giờ rất thanh thản, nhẹ nhàng chứ không bộn bề lo toan, khổ sở, vất vả như cách đây năm năm. Tiền bạc với tôi bây giờ cũng không còn quan trọng như trước. Mọi thứ dừng lại ở chỗ đủ!
Còn nói về tâm thế để đối mặt với sự thay đổi, thú thực, không phải lúc nào cũng là chủ động. Nhưng trong kinh doanh, riêng với chuyện mở cửa cho nhà đầu tư trong và ngoài nước thì tôi luôn chủ động. Đây là cách tôi tìm vốn để thực hiện mục tiêu là làm đúng và làm mạnh ở ngành gas, hướng tới sự phát triển bền vững. Và với giai đoạn mới, tôi cảm nhận cơ hội cho doanh nghiệp mình nhiều hơn thách thức. Bởi lẽ, khi nhà đầu tư nước ngoài vào càng nhiều, thị trường nói chung và dịch vụ ngành gas càng có cơ hội phát triển, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao. Ở Việt Nam, có nhiều thứ vốn chỉ là thói quen, lề thói nhưng đã biến thành “văn hóa” nên thay đổi rất khó. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nào, doanh nghiệp vẫn phải tự tin, không trông chờ vào bất kỳ ai, cũng càng không nên đi đấu tranh chính sách bởi cần tập trung sức lực để lo cho bản thân mình.
|
Kinh doanh xuất khẩu là tham gia vào sân chơi quốc tế, do đó doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu của sân chơi đó để không bị lúng túng trước các rào cản kỹ thuật. Bà Trần Thị Vân Loan |
Bà Trần Thị Vân Loan: Gõ nhiều cánh cửa và chuẩn bị nền tảng
Với một doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cá tra như chúng tôi thì thăng trầm, biến động lại càng nhiều bởi mỗi thị trường là một câu chuyện phức tạp bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố, từ nhu cầu, chủng loại hàng hóa đến chính sách nhà nước... Trong những giai đoạn khó khăn tôi luôn giữ cho mình thái độ bình tĩnh trước mọi sự kiện, suy nghĩ cân nhắc thật kỹ để tìm ra hướng đi thích hợp, không bao giờ nóng vội, không chạy theo trào lưu.
Kinh doanh xuất khẩu là tham gia vào sân chơi quốc tế, do đó doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu của sân chơi đó. Tôi xác định phải chuẩn bị năng lực cạnh tranh với các nguồn cung khác, phải nhanh nhạy với thị trường để nắm được các cơ hội, nâng cao chất lượng sản phẩm để không bị lúng túng trước các rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe. Ngay từ khi xây dựng nhà máy sản xuất cá, tôi đã chuẩn bị tất cả cho việc hội nhập, từ việc lấy được các chứng nhận chất lượng như bộ tiêu chuẩn BAP của Mỹ; ASC, GlobalGAP của châu Âu hay BRC - tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm của Anh... cho đến việc đảm bảo chất lượng sản phẩm bằng việc khép kín quy trình từ nuôi trồng đến sản xuất, đầu tư công nghệ cho nhà máy sản xuất. Đó là lý do sản phẩm của chúng tôi đã được tiêu thụ trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Từ năm 2006, chúng tôi đã cung cấp trực tiếp cho hệ thống siêu thị tại Ảrập Saudi và từ năm 2007 cung cấp cho Walmart Mexico thông qua một nhà phân phối, năm 2011 thì cung cấp cho hệ thống siêu thị Samclub tại Mỹ và trong năm nay đã chính thức trở thành nhà cung cấp trực tiếp cho hệ thống siêu thị Walmart toàn cầu. Đặc biệt, ở Ảrập Saudi, chúng tôi cũng là nhà cung cấp cho chuỗi siêu thị bán lẻ.
Doanh nghiệp tự chuẩn bị như vậy mới có thể tồn tại và phát triển, nhất là trong bối cảnh Chính phủ ký rất nhiều hiệp định thương mại cũng như xu hướng toàn cầu hóa. Nếu không, chúng ta không những không tận dụng được lợi thế mà còn bị bẫy hội nhập.
|
TPP, AEC sẽ là những sức ép buộc mọi doanh nghiệp phải thay đổi, hoàn thiện nếu muốn tồn tại và phát triển trong sân chơi khắc nghiệt mới. Ông Lê Bá Thông |
Ông Lê Bá Thông: Người khác kéo mình đi, buộc mình phải thay đổi
Trong suốt nhiều năm qua, để làm việc được với những khách hàng rất mạnh mẽ trong sự thay đổi chúng tôi buộc phải hoàn thiện bản thân liên tục, thường xuyên. Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã đặt ra một nguyên tắc mà rất nhiều nhà quản trị lúc đó chê cười, đó là chúng tôi làm chiến lược sáu tháng đến một năm (chứ không phải là ba năm, năm năm như nhiều doanh nghiệp thường làm). Chúng tôi muốn mọi thứ phải được thay đổi nhanh. Điều đó thể hiện ở cam kết của ban lãnh đạo trong việc liên tục cập nhật kiến thức, hoàn thiện mình và chia sẻ, truyền bá những điều mới đó cho nhân viên. Mới nhất, chúng tôi đang “chạy” chương trình project server để có thể quản lý tất cả dự án, từ tiến độ, nguồn lực. Vì vậy, với những chuyển động mới của đời sống kinh doanh, từ AEC đến TPP, chúng tôi không phải cố gắng thay đổi nhiều.
Tất nhiên, thay đổi để khác biệt trong bối cảnh chung trong bao nhiêu năm qua không dễ. Lâu nay, chúng tôi rất đơn độc vì nhiều nhà thầu phụ không áp dụng bất cứ ứng dụng nào. Chúng tôi phải vận động, thuyết phục và quan trọng là chứng minh cho họ thấy bằng những lợi ích họ có thể đạt được khi thay đổi. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, chúng tôi còn phải trả giá không ít.
Nay, có TPP, có AEC, chúng tôi rất vui vì đây sẽ là những sức ép buộc mọi doanh nghiệp phải thay đổi, hoàn thiện nếu muốn tồn tại và phát triển trong sân chơi khắc nghiệt mới. Chúng tôi đã thay đổi, đã đi đầu thì bây giờ sẽ bắt đầu được hưởng lợi. Và kinh nghiệm TTT rút ra về quản trị sự thay đổi, đó chính là tính kiên quyết của người lãnh đạo để có thể đi đến mục tiêu cuối.
|
Tất cả mọi người, ai cũng được ban cho cơ hội để thay đổi thực tế hiện có. Vấn đề là ai đã có sự chuẩn bị thì sẽ chớp được thời cơ và thành công. Chúng tôi chỉ lo là làm sao tìm được những người tâm huyết để cùng mình “chụp” lấy cơ hội. Ông Nguyễn Minh Tuấn |
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Chủ động chuẩn bị để đón cơ hội và nhân đôi cơ hội
Ngày tôi mang bàn mài kềm ra vỉa hè Lê Thánh Tôn với mơ ước làm ông chủ, thú thực, tôi cũng không tưởng tượng được rằng mình có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Đầu tiên, tôi mơ những giấc mơ nhỏ, trong tầm với rồi lớn dần. Điều quan trọng là ở mỗi giai đoạn, tôi đã chuẩn bị những điều kiện để có thể vươn dần đến giấc mơ.
Tất cả mọi người, ai cũng được ban cho cơ hội để thay đổi thực tế hiện có. Vấn đề là ai đã có sự chuẩn bị thì sẽ chớp được thời cơ và thành công.
Với những thay đổi ở thời điểm này cũng vậy, TPP hay AEC, với Kềm Nghĩa, đều là cơ hội, không phải thách thức. Bởi những năm trước đây, khi chưa có các hiệp định này, những thị trường lớn mà Kềm Nghĩa rất muốn thâm nhập sâu như Mỹ, Nhật có rào cản thuế quan. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ về nhà máy, cơ sở hạ tầng để đón những cơ hội mới về thị trường mà hội nhập mang lại. Chúng tôi chỉ lo là làm sao tìm được những người tâm huyết để cùng mình “chụp” lấy cơ hội.
Cũng thú thực, trong hành trình 30 năm vươn đến ước mơ của mình, có đôi lúc tôi đã muốn dừng lại, buông bỏ hết. Vậy nhưng, sau khi cân bằng sức khỏe, gặp gỡ người này người kia xong, tôi đã quay lại. Tôi đã nhiều lần tự vấn mình rằng, nếu mình ngừng phát triển là mình ích kỷ bởi không phải ai cũng có cơ hội như mình, tại sao không cố gắng, nỗ lực để đời sống của mọi người tốt hơn? Để dẹp bỏ những sự ích kỷ bản thân, tôi hướng mình theo những suy nghĩ tích cực. Công việc cực hay vui, tất cả đều do suy nghĩ mà ra.
Trong hơn 30 năm sự nghiệp, tôi cũng có những thất bại. Chẳng hạn như dự án Nghĩa Beauty. Lúc đó tôi muốn mở một chuỗi cửa hàng bán nhiều sản phẩm làm móng. Nhưng mọi thứ không như mong muốn. Cuối cùng, sau bốn năm, tôi quyết định chấm dứt, chấp nhận lỗ gần 20 tỉ đồng cho những gì đã đầu tư. Với tôi, khi nhận thấy cái gì không đúng, tôi cắt khá nhanh.
Nhiều người vẫn nói với tôi rằng, ở tuổi này sao tôi còn phải làm việc? Đúng, tôi có thể bán Kềm Nghĩa bất kỳ lúc nào. Nhưng không, tôi vẫn làm vì muốn là một doanh nghiệp yêu nước!
|
Thương nhân khi đã ra thương trường là đã bắt đầu tham gia một trò chơi lớn của cuộc đời. Vấn đề là sau tất cả, mỗi doanh nhân được gì, mất gì cũng như xã hội, cộng đồng thụ hưởng được gì từ trò chơi đó? Ông Trần Đình Khôi |
Ông Trần Đình Khôi: Kinh doanh là chấp nhận cuộc chơi liên tục biến động
Với tôi, những vận động, thay đổi của đời sống kinh doanh như là khí thở của cuộc sống, giúp cho “cơ thể” kinh doanh phát triển và ngày càng hấp dẫn. Và thương nhân khi đã ra thương trường là đã bắt đầu tham gia một trò chơi lớn của cuộc đời. Ở đó có người chơi thắng, kẻ thua; có người chơi hay, kẻ dở; có người chơi rất ngắn, có người biết kéo dài cuộc chơi; có người không chơi, có người chỉ chơi một trò duy nhất và cũng có người chơi rất nhiều trò. Thắng thì được mọi người vinh danh còn thua thì mọi người quên rất nhanh. Chúng ta chấp nhận cuộc chơi đó. Vấn đề là sau tất cả, mỗi doanh nhân được gì, mất gì cũng như xã hội, cộng đồng thụ hưởng được gì từ trò chơi đó? Đây chính là điều quyết định tâm thế, của bản thân tôi trước mỗi biến động của trò chơi.
Những biến động mới nhất của trò chơi kinh doanh, với tôi, lúc này là cánh cửa quốc gia đã mở toang sau những hiệp định thương mại mà Chính phủ đã ký. Nó giống như không khí đã hoàn toàn đối lưu với môi trường vậy. Trong đó, có những cơn gió mát lành nhưng cũng có những cơn gió lạnh, gió độc. Mỗi doanh nghiệp bằng cách của mình phải thích nghi và thích nghi nhanh với môi trường mới. Rất tiếc là chúng ta chưa được chuẩn bị tốt khi cửa còn đóng, các nguồn lực còn yếu và phân tán. Vấn đề của chúng tôi là tập hợp các chuẩn bị phân tán trước đây, lựa chọn, phát huy tác dụng của chúng trong môi trường kinh doanh mới này.
Để tồn tại và thích nghi thì chúng tôi phải chắt lọc, gọt giũa, phải làm mới những nền tảng sẵn có bằng công nghệ mới, tri thức mới, tiếp cận mới. Cũng là sản phẩm điện tử, cũng hình ảnh, âm thanh nhưng chúng tôi chọn ra sản phẩm đặc biệt, chắt lọc ra hạt giống tốt trong những hạt giống hiện có, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng Việt Nam để có thể nảy mầm nhanh ở Việt Nam và có thể canh tác phù hợp ở nhiều nước trên thế giới trong một tương lai gần.
Và trong quá trình này, chúng tôi mong muốn có sự hỗ trợ của Chính phủ. Định hướng của nước ta xem điện tử như là một ngành mũi nhọn, là hoàn toàn chuẩn xác. Song để nhọn ta cần mài.
Lâu nay, truyền thông Việt Nam đã giúp Samsung, LG... thành công ở Việt Nam với những cơn bão phim Hàn, thời trang, mỹ phẩm Hàn... Người dùng Việt Nam nay đã quá quen với kim chi! Hy vọng một ngày nào đó người dùng thế giới sẽ quen với Phở Việt Nam!
Minh Tâm
Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Xuân Bính Thân 2016