Trước những sự thay đổi dồn dập khắp mọi nơi, chúng ta đáp ứng thế nào để vẫn giữ được mình và không bị cuốn đi…
Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta biết hoặc thấy nhiều sự thay đổi. Ngoài những thứ lớn lao như khí hậu, khủng bố, chiến tranh; còn có các thứ nhỏ khác như sản phẩm mới, phương tiện mới, cách thức mới, các loại hình nghệ thuật mới và thậm chí các tội phạm kinh hồn... cũng mới! Trước các sự thay đổi ấy, chúng ta dễ bị lo âu và có khi hoang mang. Vậy làm sao để lòng mình đứng vững trước các sự thay đổi?
Điểm qua các sự thay đổi
Xét cho cùng, các sự thay đổi ta thấy là kết quả của những hành động sáng tạo của con người, và nó xuất phát từ hai nguồn chính: cái thiện hay cái ác. Lấy một thí dụ. Mark Zuckerberg sáng tạo ra Facebook; nhiều người bị nó tác động, tức là thấy thích thú hay bực mình, thậm chí có người thấy... phải chết! Vậy ta có một chuỗi tác động tâm lý nối tiếp nhau nổi lên: “Sáng tạo - thay đổi - tác động”. Đề tài của bài này nhắm vào cái giữa; nhưng nó có một cái khởi đầu và một cái kết thúc. Vậy ta bàn về cái khởi đầu - sự sáng tạo - trước đã. Và nó xuất phát từ cái thiện của con người.
Về mặt này, triết học phân chia hành động sáng tạo của con người ra ba lĩnh vực: (i) công nghiệp và gồm có công nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp; (ii) kỹ thuật và (iii) nghệ thuật. Ba thứ này lẫn lộn với nhau khiến chúng ta khó phân biệt được từng cái. Chúng tác động vào, rồi chúng ta thấy thích thú, ngạc nhiên hay chán phèo. Bình tâm lại ta sẽ thấy công nghiệp và kỹ thuật cho ta những tiện nghi vật chất. Nghệ thuật cho ta thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên và tài ba của con người.
Về tính chất, sự sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp và kỹ thuật thường là một ý tưởng mới, một công cụ hay một quy trình hữu hiệu hơn trước. Chúng là sự áp dụng những giải pháp tốt hơn để đáp ứng những yêu cầu mới, các nhu cầu bất định hoặc các nhu cầu hiện hữu của cuộc sống. Thành quả của chúng là các sản phẩm, các quy trình, dịch vụ, công nghệ, hay các ý tưởng có sẵn để cho các thị trường, chính quyền và xã hội sử dụng. Trong những năm gần đây, ta đã thấy những thành tựu sáng tạo như: máy bay không người lái dùng trong nông nghiệp để tăng năng suất và giảm thiệt hại; điện thoại thông minh cực an toàn; cách vẽ bộ óc (brain drawing); robot biết đi. Ấy là chưa kể các ứng dụng trong kinh doanh như ISO, ERP, BPM...
Trong lĩnh vực nghệ thuật thì sự thay đổi có một tính chất khác. Thuộc về tinh thần và tình cảm sâu kín trong con người, chúng được thể hiện ra bằng hình vẽ, âm thanh, ánh sáng và vóc dáng của con người. Nó là lĩnh vực có nhiều thay đổi nhất. Một Khánh Ly trình diễn bài Tình sầu của Trịnh Công Sơn hôm nay thì khác với Hồng Nhung hát bài đó hôm qua. Rồi trang phục “không đụng hàng” của những diễn viên trong các buổi showbiz. Luôn thích “mới lạ, cảm xúc, sâu sắc”, giới trẻ bị quay cuồng, bị cuốn hút đi trong những sự thay đổi của thời trang và nghệ thuật.
Sang đến sự sáng tạo xuất phát từ cái ác của con người, ta chỉ có thể tóm tắt rằng nó được thể hiện ra bằng nhiều hành động mà mục đích tận cùng của chúng là “hại người để làm lợi cho mình và tránh rắc rối”. Đó là các loại tội phạm. Gần đây, quy mô, tính chất, mức độ của chúng ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho xã hội. Chưa bao giờ có nhiều vụ án mạng kinh hoàng như thời gian vừa qua, xảy ra từ Bắc đến Nam, mỗi vụ có vài người chết. Tại Quốc hội đã có vị nhận xét có vẻ như chúng ta không kiểm soát được tình hình. Các vụ vừa qua được khám phá nhưng không có gì bảo đảm sắp tới không xảy ra.
Sáng tạo làm nên sự thay đổi. Và tâm lý chúng ta thường bị tác động bởi các sự thay đổi. Vì niềm vui qua mau, cái sợ kéo dài và chúng ta lẫn lộn chúng với nhau nên dễ cảm thấy xao xuyến trước những sự thay đổi. Vậy làm sao để đứng vững về mặt tâm lý trước những sự thay đổi?
Đáp ứng với các sự thay đổi
Đứng trước một sự thay đổi chúng ta phải đối phó hoặc đáp ứng. Đối phó thì phải làm ngay và cần có sự giúp đỡ của người khác. Đáp ứng thì có thể làm từ từ và làm một mình. Hai cái này khác nhau. Lấy một thí dụ. Khi một làn sóng nước ùa tới, người đối phó sẽ nhìn vào nó và tìm cách nhảy qua; người đáp ứng quay lưng vào nó và tìm cách bơi xuôi theo. Vậy là phải chọn cách làm khi đứng trước một sự thay đổi.
Đối với các sự thay đổi xuất phát từ cái ác của con người thì chúng ta phải đối phó. Việc này đòi hỏi sự khởi động của chính quyền; sự hữu hiệu của tòa án và sự can đảm của mỗi chúng ta dám “chống cái ác và gây cái thiện”. Tuy nhiên cách này đòi hỏi nhiều điều kiện nằm ngoài mỗi người và không đủ chỗ để bàn bạc ở đây.
Các sự thay đổi xuất phát từ cái thiện của con người thường làm cho ta cảm thấy hào hứng và thích thú. Xin lấy một thí dụ trong kinh doanh để mô tả cảm nhận này.
Các sự thay đổi xuất phát từ cái thiện của con người thường làm cho ta cảm thấy hào hứng và thích thú. Đối với các sự thay đổi xuất phát từ cái ác của con người thì chúng ta phải đối phó. Việc này đòi hỏi sự khởi động của chính quyền; sự hữu hiệu của tòa án và sự can đảm của mỗi chúng ta dám “chống cái ác và gây cái thiện”.
|
Vào những năm đầu 1980, để quản lý mọi tài sản của một doanh nghiệp người ta lâp nên một ứng dụng phần mềm tên là Enterprise Resource Planning (hoạch định nguồn lực doanh nghiệp - ERP) mà hiện nay nhiều doanh nghiệp của ta đang tìm cách áp dụng. Khi ở ta đang còn như vậy thì ở Mỹ người ta đã có thêm một ứng dụng khác gọi là Business Process Management (quá trình quản lý kinh doanh - BPM) để quản lý công việc của con người. Ứng dụng này xuất hiện trong những năm 2010-2012. Một tác dụng của nó được mô tả như thế này. Ở một hệ thống siêu thị lớn, có nhiều cửa hàng nhỏ, ứng dụng BPM được đặt tại trụ sở chính. Nơi đây xử lý ứng dụng kia để cải tiến việc quản trị nguồn nhân lực. Tuy nhiên, việc sa thải, tuyển dụng, tăng lương nhân viên lại diễn ra ở các siêu thị nhỏ. Những nơi này không trực tiếp sử dụng BPM mà họ gửi thông tin về các việc kia cho hệ thống. Qua trang web và các công nghệ tích hợp, BPM sẽ xử lý từng vụ việc và chỉ cách làm cùng gửi mẫu văn bản sử dụng cho siêu thị liên quan để các nơi này làm đúng các quy định của công ty về nhân sự. Tài tình không?
Trở lại câu hỏi. Trước những sự thay đổi gặp phải, chúng ta đáp ứng thế nào để vẫn giữ được mình và không bị người khác kéo đi? Ở đây xin được đưa một đề nghị. Dạ làm ba việc: (i) trang bị cho mình những giá trị nhân bản; (ii) hiểu rõ sự thay đổi và (iii) chọn lựa.
Về điểm (i) xin lấy một bằng chứng để nói về tầm quan trọng của nó. Sự thay đổi lớn nhất, về mọi mặt, đối với một người là chiến tranh, là loạn ly. Trong hai cuộc chiến, chúng ta đã thấy các bà mẹ mong con, các bà vợ chờ chồng, suốt bao nhiêu năm; họ đã bị tác động bởi các sự thay đổi, rất khốc liệt, nhưng vẫn chính chuyên một lòng với chồng, với con! Sao họ làm được? Thưa vì ở trong lòng mình, họ đã nghĩ mình phải giữ những đức tính của người đàn bà gương mẫu mà cha mẹ đã dạy. Ấy là tam tòng, tứ đức. Vâng, chính nhờ mang các đức tính ấy trong lòng, nhiều người đã đứng vững trước các sự thay đổi; giống như chiếc neo giữ con tàu. Tùy cách gọi, những đức tính này có tên là những giá trị hay đạo đức nhân bản, luân lý. Ta không bàn về sự phù hợp của chúng ngày nay; nhưng nhận ra rằng những giá trị nhân bản mà mỗi người mang trong lòng mình, và giữ gìn chúng một cách vô thức, như bà mẹ nấu nướng cho chồng con mỗi ngày, thì chúng sẽ giúp cho mỗi người đứng vững trước các sự thay đổi trong cuộc sống. Họ có thể thay đổi trong hành động, nhưng nhất định không chao đảo trong tâm lý.
Tình cảnh đó có thể thấy qua hình ảnh của một cái bạc đạn (vòng bi). Cái bạc đạn tiêu biểu cho một người. Vòng nhỏ nằm trong là các giá trị nhân bản của họ; vòng lớn nằm ngoài là khả năng đáp ứng với các sự thay đổi. Bạc đạn nằm ở cốt của các bánh xe. Ta thấy bánh xe xoay chuyển theo địa hình của đường đi; nhưng cái trục xe không đổi. Cũng vậy, một người mang trong mình đạo đức nhân bản thì khi có sự thay đổi ở bên ngoài họ vẫn giữ được mình vững vàng về mặt tâm lý. Nói cách khác, các sự thay đổi sẽ không tác động họ nhiều.
Sang đến việc thứ hai là hiểu rõ. Hiểu rõ là biết ngọn nguồn và có khả năng nhận định sự thay đổi mình bắt gặp. Cái này là kiến thức và không khó làm. Chỉ là học hỏi, trao đổi.
Việc thứ ba là biết chọn lựa. Thực sự, các sự thay đổi thì có nhiều, giống như ta xem tin tức từ báo chí, trang web, trong Facebook, hay nghe kể. Hằng hà sa số! Cách xử lý không phải là nhớ hết, biết hết; mà phải chọn lựa cái nào mình thấy phù hợp với sở thích và cần thiết cho công việc của mình. Đối với các sự thay đổi khác nhau thì cũng phải chọn lựa như thế. Để làm được thì phải dựa vào các giá trị nhân bản mà mình theo đuổi và vào sự hiểu biết của mình. Từ trên hai nền tảng này, khi thấy sự thay đổi nào hợp với mình thì lấy, không thì bỏ. Ấy là chọn lựa. Làm như thế là ta sẽ đáp ứng với các sự thay đổi một cách chủ động; không theo ai, nhưng có khi lại có người khác bắt chước mình! Ở đây ta phân biệt rạch ròi ba việc trên; nhưng trong thực tế chúng lẫn lộn. Nguyên tắc đáp ứng các sự thay đổi là: “Với xu hướng, hãy bơi theo dòng; với nguyên tắc sống, hãy vững như bàn thạch” (Thomas Jefferson).
Nguyên tắc sống chính là các giá trị nhân bản trong lòng. Chúng là gì? Thưa tùy mỗi nền văn hóa và tôn giáo; ở Mỹ người ta nói đến: sự tự chế; lòng thương người, trách nhiệm, tình bằng hữu, lao động, can đảm, kiên nhẫn, thành thật, trung thành, và có niềm tin tôn giáo. Trong Khổng giáo là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Phật giáo là ngũ giới. Thiên Chúa giáo là sự khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ. Chúng cũng là những bậc thang giá trị.
Các thang giá trị này được truyền từ đời nọ đến đời kia. Bắt đầu từ trong gia đình, sau đến cộng đồng (xóm đạo, trường học) và rồi đến xã hội. Chúng chuyển động theo bước đi của một đứa bé lớn dần, và dẫn dắt nó suốt đời. Có chúng thì cũng giống như khi ăn ta có đôi đũa để gắp, không phải bốc. Có đũa gắp thì ta không còn hoa mắt trước các món ăn khác nhau trong các mâm cỗ. Sự thay đổi chính là các mâm cỗ: cỗ cưới, cỗ chay hay cỗ Tết!